Hầm đường bộ là công trình ngầm được xây dựng với mục đích vượt địa hình bằng cách chui qua nó. Hệ thống hầm đường bộ nổi tiếng như hầm Kim Liên, hầm Hải Vân, hầm Thủ Thiêm… rất nổi tiếng ở nước ta nhờ mang tính đặc thù riêng. Khi lái xe ô tô qua hầm, người tài xế cần tuân thủ một số nguyên tắc theo đúng Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
I. Chia sẻ một số kinh nghiệm lái xe ô tô qua hầm
1. Lưu ý bật đèn chiếu sáng
Để đảm bảo tầm nhìn, người lái xe ô tô qua hầm cần bật đèn chiếu sáng gần. Mặc dù, thực tế trong hầm đường bộ có bố trí đèn đường nhưng sẽ không cung cấp đủ lượng ánh sáng như ở bên ngoài.
2. Cần chạy đúng tốc độ cho phép
Biển báo tốc độ thường được đặt ở cửa hầm để thông báo cho lái xe về tốc độ giới hạn quy định đối với từng làn đường xe chạy trong hầm. Tốc độ tối đa và tối thiểu của ô tô khi chạy trong hầm thường là 60 km/h và 30km/h. Tài xế cần nắm rõ và kiểm soát tốc độ, không vượt quá mức cho phép.
3. Chú ý giữ khoảng cách an toàn
Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước khi di chuyển qua hầm sẽ giúp cho người lái kịp thời xử lý trong tình huống xe phía trước bất ngờ thắng gấp. Quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các xe ô tô trong hầm là 30m.
4. Không được sử dụng còi xe
Âm thanh sẽ bị khuếch đại rất lớn khi ở trong hầm đường bộ, chính vì thế, tiếng còi xe thường to và ồn hơn gấp nhiều lần. Do đó, để tránh ô nhiễm tiếng ồn, khi đi vào hầm, người lái xe chỉ được sử dụng đèn để báo hiệu cho xe khác thay vì dùng còi như thông thường.
5. Không vượt, quay đầu, đi lùi hoặc dừng, đậu xe
Theo đúng quy định, người lái xe ô tô không được quay đầu, vượt, đi lùi hay dừng, đậu xe khi di chuyển qua hầm đường bộ. Tuy nhiên, nếu gặp tình huống khẩn cấp cần dừng xe, người lái có thể ra tín hiệu thông báo ở khoảng cách các xe khác nhận biết được.
6. Cách xử lý an toàn khi có sự cố cháy nổ
Sự cố cháy nổ trong hầm đường bộ thường rất hy hữu, tuy nhiên tài xế cũng cần biết về những điều phải thực hiện để đảm bảo an toàn khi xảy ra cháy nổ trong hầm:
- Tắt động cơ và không rút chìa khóa xe
- Tìm nút báo cháy được bố trí sẵn trong hầm và thông báo cho các phương tiện khác đang chạy trong đường hầm
- Chờ đợi bộ phận quản lý hầm nhận thông tin báo cháy và trực tiếp đến xử lý sự cố
- Chủ xe có thể chủ động hỗ trợ dập lửa nếu mang theo bình chữa cháy hoặc tìm bình chữa cháy được trang bị sẵn trong hầm
- Chủ động tìm kiếm lối thoát hiểm khẩn cấp, di chuyển theo thứ tự để thoát khỏi đám cháy
7. Xem xét về tình trạng lưu thông
Vào các khung giờ cao điểm, giờ tan tầm, tỷ lệ tắc nghẽn, kẹt xe ở các hầm đường bộ là khá cao. Do đó, tài xế nên cập nhật thông tin về tình trạng giao thông khi di chuyển trên đường để tránh rơi vào tình trạng tốn thời gian và tốn nhiên liệu khi mắc kẹt trong hầm.
II. Qua hầm đường bộ cần bật đèn gì?
Theo quy định, khi qua hầm đường bộ, xe ô tô phải bật đèn chiếu sáng gần (đèn cos/đèn cốt). Tài xế cần đặc biệt lưu ý, không được nhầm lẫn với đèn định vị ban ngày (đèn mí) hay đèn sương mù (đèn gầm) – cả 2 loại đèn này đều không cung cấp ánh sáng tốt như đèn chiếu sáng gần.
Đặc biệt, không được bật đèn chiếu sáng xa (đèn pha) mỗi khi qua hầm bởi vì ánh sáng của đèn pha sẽ khiến cho xe chạy ngược chiều bị chói.
III. Các mức phạt cho lỗi vi phạm của xe ô tô trong hầm đường bộ
Lỗi vi phạm | Mức phạt |
Dừng đỗ sai quy định trong hầm | Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ – 2.000.000 VNĐ, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 – 3 tháng |
Lùi xe, quay đầu xe trong hầm | Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ – 2.000.000 VNĐ, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 – 3 tháng |
Vượt xe trong hầm đường bộ sai quy định | Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ – 2.000.000 VNĐ, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 – 3 tháng |
Qua hầm đường bộ không bật đèn chiếu sáng gần | Phạt tiền từ 800.000 VNĐ – 1.000.000 VNĐ, tước quyền sử dụng GPLX từ 2 – 4 tháng |